CẦN THƠ - 10 NĂM PHÁT ĐỘNG ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh
Diễn biến biến đổi khí hậu toàn cầu
Cuối năm 2018, theo Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để có thể đạt được mức gia tăng nhiệt độ trung bình của trái đất 1,50C vào năm 2030, thế giới phải giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu (KNK) 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2010, và phải không còn phát thải KNK vào 2050. Họ còn cho biết, ngay cả khi các quốc gia trên thế giới đạt được mức cam kết giảm phát thải KNK như hiệp định Paris 2015, thì nhiệt độ trung bình của trái đất vẫn sẽ tăng 30C vào năm 2100.
Tại Việt nam, những năm qua biến đổi khí hậu làm cho thời tiết bất thường và khó dự báo. Thiên tai vừa bất thường vừa đạt đến những kỷ lục. Hạn hán xâm nhập mặn năng nề nhất lịch sử; tuyết xuất hiện ở Hà nội và 11 tỉnh thành miền bắc; cũng tại Hà Nội sau đó nắng nóng cao nhất lịch sử 420C; số lượng bão xuất hiện kỷ lục ở biển đông; các trân lũ quét, sạt lở núi và sạt lở bờ sông, biển tăng lên bất thường…
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thành phố Cần Thơ gần đây cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. Nếu mùa khô năm 2016 được xem là kỷ lục hạn hán tại đây, thì mùa nước nổi năm 2018 là năm kỷ lục về ngập sâu. Đặc biệt là tại thành phố Cần Thơ với mực nước sông Hậu đạt mức 223cm, cũng là cao nhất lịch sử. Ngoài ra những trận mưa trái mùa với lượng mưa đáng kể cũng xuất hiện nhiều hơn. Về chi tiết một số liệu thống kê cho thấy biến đổi thời tiết-thủy văn có những diễn biến rất khác so với trước đây. Trong khoảng thời gian từ 1978 đến 2016 tại Trạm đo khí tượng Cần thơ đã ghi nhận được
Nhiệt độ trung bình gia tăng
Nhiệt độ thấp nhất năm đã gia tăng hơn 1,30C. Nhiệt độ cao nhất năm tăng không nhiều khoảng 0,50C. Kết quả là nhiệt độ trung bình trong thời gian nghiên cứu đã tăng khoảng 10C. So với 10 năm trước, năm 2008 nhiệt độ trung bình chỉ tăng ở mức 0,60C. Như vậy, trong 30 năm trước đây nhiệt độ trung bình chỉ tăng 0,020C/năm, thì chỉ 10 năm gần đây đã tăng 0,04 0C/năm. Tốc độ tăng nhiệt độ đã tăng gắp 2 lần.
Tổng lượng mưa năm giảm
Diễn biến lượng mưa năm tại Cần Thơ đang có chiều hướng đi xuống. Dù gần đây có những trận mưa trái mùa trong mùa khô với lượng mưa lên hơn 30mm một trận. Nhưng xu hướng chung là tổng lượng mưa năm giảm. Mức độ giảm lượng mưa năm hiện nay khá rõ so với 10 năm trước, 200mm/năm. Giai đoạn 1978 đến 2008 tổng lượng mưa năm có xu hướng bình ổn. Nhưng, từ đó đến 2016 lượng mưa năm giảm như mức độ hiện nay. Một điểm đáng chú ý là mùa khô năm 2016 lại là mùa khô nặng nề nhất lịch sử, hầu như không có mưa.
Ẩm độ không khí cũng giảm
Ẩm độ trung bình năm trong không khí cũng có xu hướng giảm từ 86% hiện chỉ còn 81%, giảm 5%. Từ 1978 đến năm 2008 ẩm độ không khí trung binh chỉ giảm 3% hay 0,1%/năm. Chỉ từ 2008 đến 2016 đã giảm thêm 2% hay 0,25%/năm.
Tổng số giờ nắng năm
Dù mưa không tăng, nhưng mây có xu hướng tăng làm tổng số giờ nắng năm có khuynh hướng giảm. Từ 1978 đến 2016 mức giờ nắng năm giảm 140 giờ/năm. Trong đó, từ 1978 đến cuối 2008 giảm 400 giờ/năm. Từ 2008 đến 2016 đã tăng lên 260giờ/năm. Như vậy trong 10 năm gần đây tổng số giờ nắng/năm đang có khuynh hướng tăng trở lại tại Cần Thơ. Điều này lý giải một phần việc giảm mưa ở Cần Thơ.
Mực nước gia tăng mạnh ở cả 3 chỉ số
Mực nước trung bình hơn 40 năm qua tăng gần 50 cm. Mực nước thấp nhất năm đã tăng gần 50 cm. Trong khi đó mực nước cao nhất năm cùng thời kỳ tăng mạnh hơn khoảng 60 cm. So với 2008 mực nước cao nhất tăng 45 cm so 1978, tốc độ tăng 1,5cm/năm. Trong 10 năm cuối giai đoạn trên mực nước cao nhất tăng cũng tăng 1,5cm/năm.
Điều đáng quan tâm là số liệu mực nước cao nhất trong các năm lũ của giai đoạn 1961 đến 2018 và vài năm gần đây ở hai trạm Tân Châu và Châu Đốc đều ghi nhận mức suy giảm rất lớn. Ở Tân Châu mực nước cao nhất giảm khoảng 170 cm. Ở Châu Đốc giảm 190cm.
Vậy tại sao mực nước cao nhất năm tại Cần Thơ tăng. Phần lớn mức tăng đó có thể là do mặt đất vùng Cần Thơ bị lún kèm theo với mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, mức nước biển dâng trung bình tại trạm đo Vũng Tàu khoảng 3mm/năm. Nếu cho là mực nước tại Cần Thơ dâng tương đương nước biển dâng tại trạm Vũng Tàu, thì mặt đất tại Cần Thơ bị lún mỗi năm khoảng 1,2cm.
Nguy cơ lơ lửng
Tổng hợp tài liệu nghiên cứu địa chất của đại học Chulalongkorn, Thái Lan và Hùng Nguyễn Văn và cộng sự; tài liệu về biến đổi khí hậu của Viện Khoa học Thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam và Nhà địa chất Gerhard thuộc Viện Khảo sát địa chất Kansas. So sánh với tình hình nước biển dâng và tình hình xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, có thể kết luận ĐBSCL hiện đang ở tiến vào qui trình chìm xuống dưới mặt biển.
Trước đây 10 đến 8 ngàn năm chưa có ĐBSCL do nhiệt độ trung bình giai đoạn đó cao hơn mức trung bình nhiệt độ 20 ngàn năm gần đây hơn 0,5-1 độ C làm băng tan và nước biển dâng nhấn chìm vùng đất tiền thân của ĐBSCL. Sau đo trái đất mát dần băng hình thành nhiều ở hai cực và các đỉnh núi cao của trái đất, làm nước biển thấp xuống, đồng thời sông Mekong đem phù sa bồi đấp nên mặt đất cao lên, bờ biển lấn dần ra khơi. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ 17, ĐBSCL nổi lên như hiện nay.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, trái đất ấm dần làm nước biển dâng lên. Các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn không cho phù sa về bồi đắp cho đồng bằng. Và người dân tại chỗ lại dùng quá nhiều nước ngầm làm mặt đất bị lún sâu xuống ngày càng nhiều. Tạo nên quá trình nhấn chìm ĐBSCL. Thỏa thuận khi hậu Paris 2015 cố gắng giữ nhiệt độ trung bình không tăng hơn 2 độ C, một thách thức rât khó thực hiện trong tình hình hiện nay. Nhưng, ngày xưa khi nhiệt độ trung bình chỉ tăng 0,5 đến 1 độ C thì nước biển đã lấn đến gần PhnomPenh, nên dù nếu thực hiện được thỏa thuận Paris đi nữa thì tương lai của ĐBSCL vẫn còn mù mịt.
Một vài điểm sáng
Tại Cần Thơ, sau khi chính Phủ ban hành Quyết định 158 về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. Chính quyền thành phố đã nhận hỗ trợ từ quỹ Rockefeller thành lập Văn phòng Công tác thích ứng biến đổi khí hậu (văn phòng). Văn phòng đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền đến hàng ngàn cán bộ các cấp thành phố để từ đó tuyên truyền đến người dân. Hỗ trợ cho nhiều dự án ứng phó trong và ngoài nước, trong đó đã thực hiện các dự án đáp ứng được tình hình của địa phương. Dự án quan trắc xâm nhập mặn đã phát hiện được Cần Thơ bị nước mặn tấn công năm 2016 và xây dựng đập ngăn mặn Đất Sét. Dự án Nghiên cứu sốt xuất huyết giúp giảm tỷ lệ nhiễm bệnh trong thời kỳ cao điểm của cả nước 2014-2017. Dự án chống sạt lở bờ dựa vào cộng đồng năm 2012, một hiện tượng nở rộ trong thời gian gần đây ở ĐBSCL. Hiện nay, thành phố đang xây dựng một chiến lược ứng phó toàn diện trong Chương trình 100 thành phố thích ứng cũng do quỹ Rockefeller tài trợ. Nhiều dự án khác ứng phó sạt lở bờ, nâng cấp đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu cũng đang được thực hiện.
Cả nước cũng đang có những hoạt động đúng hướng trong thích ứng. Tỷ lệ sử dụng điện gió, điện mặt trời ngày càng tăng. Nông dân và người tiêu thụ đang hướng tới việc sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ. Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành nghị quyết 120 năm 2017, cùng với kế hoạch thực hiện về ứng phó biến đổi khí hậu cho ĐBSCL.
Trên thế giới, sau 14 ngày Hội nghị COP 24, cuộc họp để bàn việc triển khai hiệp định vê khí hậu Paris 2015, tưởng chừng đi vào bế tắc đã được khai thông. Gần 200 quốc gia ngày 15-12 đã đồng ý thông qua một bộ qui tắc để thực hiện thỏa thuận Paris. Theo đó kế hoạch hành động, hay Qui tắc Katowice, cung cấp hướng dẫn về những gì mà một quốc gia có thể và nên làm để giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới mức 20C so với mức tăng trong thời tiền công nghiệp.
Trong hoàn cảnh khó khăn, trong nước thời tiết cực đoan, sạt lở bờ, thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường ngày càng khóc liệt; ngoài nước các quốc gia có khuynh hướng gia tăng bảo vệ tăng trưởng của mình, thì việc đạt một tiến bộ dù nhỏ cũng mang một hy vọng lớn cho thế giới trong năm 2019.