BÁC HỒ CHÚC TẾT XUÂN CANH TÝ 1960
Ngày đầu năm (1-1-1960) tại Phủ Chủ tịch, Bác tiếp các đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, Quân đội và Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp năm mới đến mừng Người thọ 70 tuổi. Người cảm ơn các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức đã dành cho Người những tình cảm quý báu; đồng thời người nêu lên những nhiệm vụ quan trọng của năm 1960 xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tiếp các vị đại sứ, đại biện lâm thời, tổng lãnh sự các nước ở Hà Nội và các trưởng đoàn chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam đến chúc mừng Người nhân dịp năm mới.
Sáng mùng 1 Tết Canh Tý (ngày 28-1-1960),
Bà con kiều bào và các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan
về nước đến thăm và chúc Tết Bác Hồ. Ảnh: Tư liệu
Năm 1960, nền dân chủ cộng hòa Việt Nam vào tuổi 15. Ngày đầu năm (1-1-1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 1/SL công bố Hiến pháp mới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là lần thứ hai Bác Hồ thay mặt Chính phủ dân chủ cộng hòa ký lệnh ban hành Hiến pháp mới (Hiến pháp thứ hai của Việt Nam) – Hiến pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.
Năm 1960, Đảng Lao động Việt Nam tròn 30 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Ba mươi năm hoạt động của Đảng đăng trên Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội số 2 (1960). Người điểm lại quá trình 30 năm ra đời, hoạt động của Đảng, rút ra bốn bài học và nguyên nhân thắng lợi của Đảng trong 30 năm ấy, đồng thời đề ra bốn nhiệm vụ sắp tới của Đảng. Ngày 5-1, dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ba bức trướng chúc mừng của Đảng Xã hội Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát biểu trong buổi lễ, Người nói: “Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta… vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác… Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao. Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình. Đảng ta là đạo đức, là văn minh; là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no. Công ơn Đảng thật là to. Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”(1).
Ngày 2-1, dự họp Bộ Chính trị, Người thông tin có Bộ không nắm được tình hình và nhắc nhở các Bộ cần đi sát thực tế hơn nữa để có cơ sở định ra kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện và nên cho cán bộ nông nghiệp ra nước ngoài học tập.
Miền Bắc bắt đầu đi lên chủ nghĩa xã hội, những ngày đầu năm mới Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây nhân dịp kỷ niệm thành lập Đảng (ngày 6-1-1960); Bác dặn mỗi người trồng ít nhất một cây và chăm bón cho tốt. Hiện thực hóa lời kêu gọi, ngày 11-1-1960, Bác trồng cây đa ở công viên Bảy Mẫu (công viên Thống Nhất, sau là công viên Lênin), chính thức phát động Tết trồng cây. Từ đó hằng năm cả nước đều có hành động thiết thực tổ chức Tết trồng cây. Đầu năm Bác cũng đi thăm hỏi nhân dân và cán bộ. Người thăm tỉnh Kiến An, Thành ủy Hải Phòng (ngày 18-1-1960), thăm các cháu trong trường học sinh miền Nam số 12 ở Hải Phòng…
Ngày 13-1-1960, Người chủ tọa kỳ họp Hội đồng chính phủ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 1959 và bàn kế hoạch Nhà nước năm 1960. Cùng ngày, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 02/SL công bố Luật hôn nhân và gia đình và Sắc lệnh số 03/SL, công bố Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dự Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp (22-1), Người nêu phương châm “nhiều-nhanh-tốt-rẻ” nhưng phải vững chắc, không được làm ẩu mà phải vững chắc, liên tục, công nghiệp trung ương cần chú ý giúp đỡ công nghiệp địa phương. Người viết bài Con đường phía trước, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2134 (20-1), chỉ rõ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu phải là con đường công nghiệp hóa.
Ở miền Nam những ngày đầu xuân, những cuộc nổi dậy khởi nghĩa từng phần đã nổ ra, chuyển thế chiến lược cho cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Bác Hồ rất phấn khởi với khí thế Đồng khởi long trời lở đất của quân và dân miền Nam; tại Thủ đô Hà Nội, ngày 12-1-1960, Người dự Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam bàn một số vấn đề về cách mạng miền Nam, góp ý về cách dùng từ trong Cương lĩnh Mặt trận ở miền Nam phải làm sao cho dễ hiểu, cách diễn phải thật khéo, có lợi cho ta.
Mừng Xuân, đón Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Bác viết bài Mừng tết nguyên đán thế nào? Ký tên T.L. đăng trên báo Nhân dân số 2132, ngày 18-1-1960, nói rõ “Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh… Nên nhớ rằng chúng ta hiện nay nên cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”(2).
Nhân dịp Tết Nguyên đán của dân tộc, Người mời gia đình Luật sư Loseby sang thăm Việt Nam. Bác ra tận sân bay Gia Lâm đón ân nhân của mình. Bác mời gia đình luật sư đi thăm nhiều nơi rồi mời về nơi ở và làm việc của Người. Các vị khách rất ngạc nhiên vì Chủ tịch sống và làm việc ở một nơi bình dị như thế; bà vợ luật sư đã rưng rưng nước mắt: “Hồ Chủ tịch là con người hiếm có, Người đã hy sinh tất cả cho dân, cho nước”.
Sát ngày Tết, Bác viết bài Mừng xuân vĩ đại ký tên Trần Lực, đăng trên báo Nhân dân số 2141 (27-1-1960), nhắc lại lời chúc tụng xưa “Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái”, Bác mong muốn từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới có một cách mừng xuân: “Chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”(3).
Chiều 30 Tết (27-1), sau bữa cơm tối, Bác đi thăm và chúc Tết, tặng quà các gia đình cán bộ, nhân dân ở Hà Nội theo bố trí của cơ quan, gồm gia đình anh Trần Công Tốt, công nhân nhà máy đèn; gia đình anh Trương Từ Thức, công an chữa cháy; gia đình ông Bùi Xuân Bồng, gia đình Công giáo; gia đình Bác sĩ Đinh Văn Thắng, Giáo sư Trường Đại học Y dược; gia đình nhà công thương Bùi Hưng Gia.
Ngoài chương trình đã bố trí, chuẩn bị giao thừa, Bác còn đến thăm gia đình chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Lúc ấy chị Tín vẫn còn đi gánh nước thuê. Bác đến, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run xúc động nói: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”. Bác bật khóc và an ủi chị: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai”(4).
Giao thừa năm cũ chuyển sang năm mới, giữa tiếng pháo rộn ràng, Đài tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội truyền đi Thư chúc Tết của Bác Hồ. Đồng bào chiến sĩ cả nước nghe giọng ấm áp của Bác kết thúc Thư xuân bằng 8 câu thơ:
“Mừng nhà nước ta 15 Xuân xanh!
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”(5).
Chỉ với 64 từ cô đọng, Người đã khái quát được cả 15 Xuân xanh của nền dân chủ cộng hòa và 30 tuổi trẻ của Đảng quang vinh; Người chúc đồng bào cả nước trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc vẫn xây dựng và đấu tranh. Người vẫn luôn nhắc nhở đoàn kết và bền bỉ để một lòng, hăng hái tiến lên cùng vì thống nhất nước nhà; ngày xuân nên Người nói đến ngày sum họp mà lớn nhất vẫn là lúc Bắc Nam vui vẻ.
Sáng mùng 1 Tết (ngày 28-1-1960), Bác lên Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Tây – nay thuộc Hà Nội) thăm và chúc Tết anh em, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân làm việc trên Công trường 5 (khu căn cứ của Trung ương)(6). Sáng hôm sau, mùng 2 Tết, Bác tiếp đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc Tết Người.
Đất nước bước vào thời kỳ kiến thiết xây dựng hậu phương và chuyển thế chiến lược ngoài tiền tuyến, Bác Hồ đã chúc “Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên”. Theo lời Bác gọi, một năm mới đã bắt đầu để 15 năm sau, nước nhà thống nhất, Bắc – Nam sum họp.
(1), (2), (3), (5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 402 – 403, tr.440, tr.456, tr.399.
(4) Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện.
(6) Nơi được Bác Hồ chọn làm căn cứ của Trung ương (1960 – 1969); sau này Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm noi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh (1969 – 1975).